(ĐSPL) – Với 3 phương án điều chỉnh giá điện được đưa ra thì phương án tăng 9,5 % nhận được nhiều ý kiến đồng tình nhất.
Theo tin tức trên VnExpress, Bộ Công thương khẳng định không tăng trước Tết, song việc giá điện sẽ điều chỉnh như thế nào sau đó đang là câu chuyện được người dân và doanh nghiệp quan tâm.
Chia sẻ với báo chí sau cuộc họp liên bộ về điều hành kinh tế vĩ mô cuối tuần trước, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư - Bùi Quang Vinh cho biết cơ quan điều hành đang cân nhắc 3 phương án.
Theo Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết thêm, trong số các lựa chọn nêu trên, phương án từng được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề xuất hồi đầu năm ngoái cũng được tính tới và nhận được nhiều ý kiến ủng hộ từ các bộ ngành. Trong đó, Bộ Tài chính ủng hộ phương án của EVN, với mong muốn đưa giá điện tiệm cận thị trường.
Trước đó, theo nguồn tin Dân trí, vào khoảng tháng 7/2014 EVN dự kiến sẽ nâng giá điện lên lên 1.652,19 đồng/kWh, tăng 9,5% so với giá bán điện bình quân hiện hành là 1.508,85 đồng/kWh.
Phóng to
Cơ quan điều hành đang cân nhắc 3 phương án tăng giá điện.Trong khi đó, theo Quyết định 69/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 7% đến dưới 10% so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, EVN được điều chỉnh giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi có ý kiến chấp thuận của Bộ Công thương. Và Bộ Công thương phải có trách nhiệm trả lời trong thời hạn 10 ngày làm việc.
Mức tăng này nằm trong khung giá đã được phê duyệt cho giai đoạn 2013-2015 (từ 1.437 đồng đến 1.835 đồng). Đến nay, giá điện đã không tăng trong vòng 16 tháng. Lần tăng giá điện gần nhất cho đến nay là vào ngày 1/8/2013 với mức tăng thêm 71,85 đồng.
Ngày 21/7/2014 vừa rồi, giá bán than cho các nhà máy điện tăng thêm 74.000 đồng/tấn (tăng xấp xỉ 5%). Theo phản hồi của EVN thì điều này đã gây sức ép không nhỏ cho hoạt động của các nhà máy nhiệt điện nói riêng và của Tập đoàn này nói chung.
Nguồn tin Vnexpress cho biết thêm, về việc điều chỉnh giá, người phát ngôn của Bộ Công thương nhắc lại việc Ngân hàng Thế giới nhận định giá điện Việt Nam cần tăng khoảng 40% trong vòng 3 năm tới, nếu không muốn EVN phá sản, khi mà mức khoảng 7 cent mỗi kWh giờ hiện nay là rất thấp, dưới giá thành sản xuất.
"Phương án cuối vẫn chưa được đưa ra, nhưng theo kịch bản nào thì các Bộ cũng sẽ tính toán kỹ, căn cứ trên sức chịu đựng của nền kinh tế. Khi giá điện tăng thì Nhà nước vẫn duy trì chính sách hỗ trợ 30kWh mỗi tháng cho các hộ nghèo", ông Hải trấn an.
Trước đó, báo Lao động cho biết, tại cuộc họp tổng kết và triển khai nhiệm vụ của EVN diễn ra hồi đầu tháng 1/2015, lãnh đạo EVN cũng "kêu than", tập đoàn này đang phải chịu khoản lỗ cộng gộp từ lỗ tỷ giá các năm tồn lại và lỗ phát sinh do các chi phí như giá than, khí, phí môi trường tăng từ 2 lên 4%.... khoảng 16.800 tỷ đồng vẫn chưa được cân đối trong năm 2014.
EVN cũng khiến nghị Bộ Công thương được bổ sung các khoản lỗ chi phí nêu trên vào giá điện 2015. Thêm một lý do để giá điện sẽ tăng trong năm 2015.
TD (TỔNG HỢP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét